câu hỏi phỏng vấn

Câu Hỏi Phỏng Vấn Và Cách Trả Lời Phỏng Vấn Thường Gặp Nhất (Kèm Câu Trả Lời Ví Dụ) – Phần 2

5/5 - (3 votes)

Tiếp theo phần 1 chủ đề các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời phỏng vấn thường gặp nhất, bài viết này sẽ tiếp tục nội dung của phần 2.

Trong phần trước, tôi đã nêu chi tiết cách trả lời hai câu hỏi phỏng thường gặp:

1. Xem lại cách trả lời câu hỏi phỏng vấn Hãy giới thiệu về bản thân: Với câu hỏi này, bạn chỉ nên tập trung câu trả lời vào những cột mốc, những sự kiện liên quan nhất đến vị trí ứng tuyển. Có 2 cách để bạn chọn tùy thuộc số năm kinh nghiệm của bạn, đó là trả lời theo thứ tự thời gian (nếu mới tốt nghiệp hoặc đi làm 1 năm) và trả lời theo Mốc quan trọng và lùi lại từng cột mốc liên quan nhất (nếu trên 2 năm kinh nghiệm). Hãy cho người phỏng vấn biết về những thành tích chính của bạn, những bước ngoặt trong sự nghiệp bạn đã thực hiện và lý do, và kết thúc bằng cách chia sẻ những gì bạn muốn làm tiếp theo trong sự nghiệp và lý do bạn đang tìm việc.

2. Xem lại cách trả lời câu hỏi phỏng vấn Bạn biết gì về công ty chúng tôi: Với câu hỏi phỏng vấn này, bạn cần cho thấy bạn đã thực hiện nghiên cứu của mình một cách chỉn chu và chuyên nghiệp. Hãy kết hợp bộ tài liệu xác thực giá trị bản thân VVP, nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ tăng gấp đôi cơ hội trúng tuyển.

Câu phỏng vấn 3. Bạn biết về vị trí tuyển dụng này như thế nào?

Khi họ hỏi “Bạn biết về vị trí tuyển dụng này như thế nào?“, tốt nhất là đưa ra câu trả lời trung thực, trực tiếp, ngắn gọn.

Câu hỏi phỏng vấn 3. Bạn biết về vị trí tuyển dụng này như thế nào?

Người phỏng vấn chỉ đơn giản là tò mò làm thế nào bạn biết về họ. Họ cũng tò mò về cách bạn đang tìm kiếm các vị trí để ứng tuyển nói chung. Do đó, câu này không quá quan trọng, không gặp quá thường xuyên nhưng nếu trả lời không chỉn chu, bạn sẽ mất điểm.

Nếu bạn tìm thấy công việc thông qua đồng nghiệp, thông qua nghiên cứu nhà tuyển dụng trực tuyến, thông qua bảng việc làm hoặc tin tuyển dụng, hoặc bất kỳ phương pháp phổ biến nào khác, chỉ cần nói sự thật với họ.

Ví dụ về câu trả lời hay:

“Trong quá trình tìm việc mới, tôi quan tâm đến những công ty khởi nghiệp phát triển nhanh lĩnh vực TMĐT. Vì đã follow trang Linkedin của công ty từ trước đó, nên ngay khi công ty đăng tin tuyển dụng, tôi đã nghiên cứu để nộp hồ sơ và thấy rất phù hợp những kinh nghiệm của tôi”

Nên làm:

  • Giải thích lý do tại sao công việc này khiến bạn nộp đơn (động lực cá nhân, thương hiệu công ty)
  • Hãy tập trung nói về động lực đằng sau lý do tại sao bạn nộp đơn, sau đó nói về kênh bạn tìm thấy tin tuyển dụng (website công ty, trang tuyển dụng online, Linkedin, bạn bè giới thiệu…)

Đừng:

  • Nói chung chung rằng bạn thấy thông tin trên mạng hay ở kênh ABC nào đó
  • Nghe có vẻ không tự tin vì đã nộp quá nhiều nơi không thể nhớ nổi

Câu phỏng vấn 4. Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?

Khi nhà tuyển dụng hỏi “Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này ?”, nghe có vẻ giống câu số 3 nhưng sẽ kỳ vọng câu trả lời của nhà tuyển dụng sẽ khác nhau.

Với câu “Bạn biết về vị trí tuyển dụng này như thế nào?”. Thực chất: Tôi muốn khảo sát xem bạn biết về tin tuyển dụng của chúng tôi từ nguồn nào.

Câu hỏi phỏng vấn 3. Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?

Còn với câu “Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này”. Thực chất: Nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu động lực nào mà bạn nộp hồ sơ vào đây? Do thương hiệu của nhà tuyển dụng, do mức lương, do môi trường làm việc hay lý do gì?

Chọn một cái gì đó cụ thể nổi bật của công ty mà bạn quan tâm. Nếu bạn nói rằng bạn yêu thích sản phẩm của họ, hãy cho họ biết lý do, nếu đó là văn hóa, môi trường làm việc thì hãy chia sẻ bạn nghe được từ ai hay đọc được ở đâu.

Chìa khóa là không nói quá nhiều về mong muốn bản thân, mà hãy tập trung nói về việc bạn đã nghiên cứu công ty, môi trường, văn hóa, sản phẩm như thế nào? Hãy dùng câu hỏi phỏng vấn này để thể hiện bạn quan tâm vị trí này vì công ty là nơi đáng làm việc và bạn tự tin sẽ đóng góp được vào sự phát triển của công ty.

Tuyệt đối không thể hiện bạn đang tuyệt vọng hoặc bạn chỉ muốn nhận công việc nào đó vì đã hơn 3 tháng bạn thất nghiệp.

Ngoài ra, hãy tích cực, đừng phàn nàn và có giọng điệu tiêu cực. Đừng nói xấu công ty hoặc ông chủ cũ của bạn. Tập trung vào những mặt tích cực của công việc bạn đang ứng tuyển.

Câu trả lời ví dụ 1:

“Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình, em đã muốn làm việc cho một tập đoàn trong lĩnh vực y tế, đó là lý do ngay từ khi ra trường, em đã tích lũy được hơn 3 năm kinh nghiệm từ ngành nha khoa cho đến thẩm mỹ, đặc biệt trong việc phát triển khách hàng trên môi trường online. Công ty A là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, đặc biệt trong thời gian gần đây công ty đã đưa vào ứng dụng di động và phiên bản website mới để chăm sóc khách hàng cũ, điều này rất hợp xu thế. Chính vì vậy em rất vui được đến đây, đóng góp các kỹ năng và kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của công ty. ”

Ví dụ tạo bởi Sonny Dang

Câu trả lời ví dụ 2:

“Em đã nghe những điều tuyệt vời về môi trường làm việc ở đây từ một vài đồng nghiệp. Em cũng follow gần như tất cả kênh online như Fanpage hay Linkedin và tìm đọc các thông tin về sản phẩm cũng như các công nghệ của công ty đang cung cấp cho thị trường. Ngay khi thấy tin tuyển dụng đăng trên Linkedin phù hợp kinh nghiệm của mình, em đã biết cơ hội này không thể bỏ qua được. Trên mô tả công việc có ghi rõ cần một người là chuyên gia về lập trình Java. Đây là điều em đã tập trung cho suốt sự nghiệp của mình và thậm chí đây còn là khóa luận đạt điểm tuyệt đối khi tốt nghiệp đại học. Từ những kinh nghiệm của mình, em hy vọng sẽ có cơ hội được cống hiến tại công ty.

Ví dụ tạo bởi Sonny Dang

Nên làm:

  • Làm cho nhà tuyển dụng cảm thấy bạn quan tâm đến họ vì một lý do cụ thể
  • Cho thấy bạn đã thực hiện nghiên cứu của mình và hiểu những gì liên quan đến công việc
  • Diễn đạt mọi thứ là tích cực. Đừng nói xấu hoàn cảnh hiện tại của bạn, chỉ nói về những gì bạn hy vọng sẽ đạt được khi đến làm việc cho họ (kinh nghiệm, thách thức, cơ hội).

Đừng:

  • Nói chung là bạn chỉ cần một công việc
  • Chia sẻ rằng bạn đang thất nghiệp và chỉ cần tìm việc làm để trả những hóa đơn
  • Nói xấu ông chủ hoặc công ty hiện tại của bạn hoặc nói bất cứ điều gì tiêu cực
  • Đề cập đến bất kỳ lý do cá nhân nào khác như “Tôi cần tìm một tuyến đường đi làm ngắn hơn.”

Câu phỏng vấn 5. Tại sao bạn nghỉ công ty hiện tại?

Đây là câu hỏi phỏng vấn khiến nhiều ứng viên hồi hộp nhất và nó cũng khá quan trọng vì nhà tuyển dụng muốn biết lý do bạn không còn làm ở môi trường cũ nữa.

Câu hỏi phỏng vấn 5. Tại sao bạn nghỉ công ty hiện tại?

Nó khó vì không phải lý do nghỉ nào cũng quang minh chính đại, nhiều khi bạn cũng băn khoăn nên nói sự thật không mấy hay ho hay là né nó ra để “bảo toàn tính mạng”, sau đây tôi sẽ hướng dẫn cách trả lời phỏng vấn này.

Điều quan trọng nhất cần làm khi người tuyển dụng hỏi tại sao bạn lại muốn rời bỏ công việc hiện tại là phải giữ sự chuyên nghiệp và thái độ tích cực. Đặc biệt, dù là lý do chính đáng, không bao giờ nói xấu công ty cũ, sếp cũ của bạn hoặc thậm chí các đồng nghiệp.

Thay vì phàn nàn hoặc nói tiêu cực về hoàn cảnh của bạn, hãy nói rằng bạn đang tìm kiếm điều gì đó tích cực hơn. Bạn kỳ vọng với môi trường lớn hơn, bạn sẽ phát huy được tốt hơn những kinh nghiệm của mình?

Câu trả lời mẫu hay:

“Tôi đã làm việc tại công ty A được ba năm và thực sự đây là khoảng thời gian rất hữu ích, mọi người ở đây đều có tinh thần trách nhiệm cao, đã hỗ trợ công việc cho tôi rất nhiều, nhờ đó tôi đạt được nhiều thành tích tốt như…, tôi rất trân trọng những điều này. Nhưng với bản thân, tôi cảm thấy để có những sự phát triển tiếp theo trong sự nghiệp của mình, tôi cần bước ra khỏi vùng an toàn của mình để tham gia vào một tổ chức lớn hơn như công ty V và sử dụng những gì tôi đã tích lũy được để dẫn dắt nhiều dự án quan trọng hơn. Đó là lý do tại sao vai trò Giám đốc dự án này khiến tôi quan tâm và nộp hồ sơ”.

Ví dụ tạo bởi Sonny Dang

Nên làm:

  • Giọng điệu tích cực và tập trung vào những gì bạn muốn đạt được trong tương lai
  • Thể hiện lòng biết ơn đối với công việc hiện tại của bạn (ví dụ: “Công việc này thật tuyệt và tôi đã học được rất nhiều điều trong hai năm ở đây, nhưng tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng cho ___ bây giờ.”)
  • Nếu bạn không muốn rơi vào hoàn cảnh khó xử khi có vấn đề với công ty cũ, hãy tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũ, đặc biệt với các bạn nhân sự và sếp cũ trực tiếp. Dù xác định sẽ nghỉ việc hãy chuyên nghiệp đến ngày cuối cùng.

Đừng:

  • Nói xấu người sử dụng lao động hiện tại của bạn theo bất kỳ cách nào
  • Nghe có vẻ như bạn đang cố gắng thoát khỏi một tình huống xấu, hoặc bạn đang thất bại hoặc không phù hợp với công việc hiện tại của mình
  • Giả sử bạn đang gặp khó khăn hoặc không thực hiện được công việc
  • Nói rằng công việc quá nhiều, nhiều áp lực, trong khi thu nhập thấp

Câu phỏng vấn 6. Hãy cho chúng tôi biết về một thử thách bạn đã đối mặt và cách bạn xử lý nó?

Đây là dạng câu hỏi tình huống do bạn tự chọn. Do đó, tốt nhất là bạn hãy sử dụng phương pháp trả lời phỏng vấn STAR.

Phương pháp trả lời phỏng vấn STAR là gì?

STAR là viết tắt của một kỹ thuật giúp bạn trả lời các tình huống phỏng vấn một cách chuyên nghiệp và có logic và không bị lan man.

STAR là viết tắt của 4 từ:

Situation: nêu hoàn cảnh mà bạn gặp phải phù hợp câu hỏi phỏng vấn

Task: nhiệm vụ, công việc mà trong hoàn cảnh đó bạn phải làm hoặc được giao làm để giải quyết vấn đề

Action: các bước bạn đã thực hiện để thực hiện nhiệm vụ trên

Result: nêu lại kết quả từ hành động bạn đã thực hiện

Trả lời phỏng vấn ví dụ từ kinh nghiệm của tôi:

SITUATION: Mô tả hoàn cảnh

Tôi được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội Marketing triển khai các hoạt động phát triển khách hàng mới sử dụng giải pháp công nghệ SAAS (Software as a service) trong thời gian Covid-19.

Vấn đề lúc đó là, trước khi tôi tiếp nhận, hệ thống marketing phụ thuộc hoàn toàn việc quảng cáo trên FB và Google để tìm kiếm khách hàng mới. Càng chạy quảng cáo thì càng không có hiệu quả, vì khách hàng đã nhận được cùng một thể loại quảng cáo quá nhiều lần, khiến chi phí cao nhưng việc chuyển đổi rất thấp. Các vấn đề tôi gặp phải lúc đó:

  • Chi phí quảng cáo cao nhưng hiệu quả chuyển đổi thấp, khách hàng ngày càng khó tính hơn trong việc lựa chọn sản phẩm
  • Hệ thống email marketing không hiệu quả, tỷ lệ vào inbox thấp do tình trạng gửi spam

TASK: Nhiệm vụ phải làm

Mục tiêu của đội MKT lúc đó là phải phát triển khách hàng mới và tăng doanh thu từ khách hàng cũ trong hoàn cảnh chi phí MKT đã bị cắt giảm một nửa.

ACTION: Triển khai hành động

Khi tôi tiếp nhận công việc, tôi đã sắp xếp và tổ chức lại công việc của các nhân sự trong team để chuyên môn hóa, sau đó tập trung một số công việc trọng tâm và quan trọng là xác định lại chân dung và hành vi đối tượng khách hàng mục tiêu để xây dựng chiến lược mới.

Tôi liên tục tổ chức các cuộc họp giữa team marketing và team sale để thẳng thắn chỉ ra các vấn đề thị trường, team sale có sự tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với khách hàng, các khó khăn và gợi ý, ý kiến đề xuất của team sale đã giúp team marketing phần nào xây dựng được chân dung và hành vi khách hàng rõ hơn, kết hợp với những kinh nghiệm của mình, đã giúp tôi có những kiến nghị để xây dựng lại chiến lược marketing nhằm giảm chi phí quảng cáo đồng thời tăng tỷ lệ chuyển đổi như:

RESULT: Kết quả

1. Xây dựng lại hệ thống inbound marketing, tự động hóa email marketing qua hệ thống ebook, bài viết chất lượng cao, tạo giá trị cho khách hàng, giúp tăng 60% tỷ lệ khách hàng tải ebook và chuyển đổi hơn 40% thành khách hàng tiềm năng, chốt doanh số năm tăng hơn 15%.

2. Tổ chức các buổi workshop online do chính các Manager của công ty đứng ra làm diễn giả theo chủ đề, nhằm thu hút khách hàng mục tiêu, thu lead tăng hơn 3 lần.

Ví dụ trên là cách tập trung vào một thách thức liên quan đến công việc cụ thể và nói về cách bạn vượt qua những trở ngại, sử dụng nó như một kinh nghiệm học hỏi, sử dụng các nguồn lực xung quanh bạn (bao gồm cả mọi người / đồng nghiệp nếu có) và kết quả là tích cực! Đó là cách trả lời câu hỏi phỏng vấn này.

Nên làm:

Luôn chuẩn bị trước 1-2 tình huống và làm theo các bước sau:

  • B1: Giải thích tình huống, nhiệm vụ bạn cần hoàn thành (hãy chọn tình huống khó hoặc ngoài kỳ vọng)
  • B2: Do là nhiệm vụ khó, bạn đã phương pháp nào? Tại sao?
  • B3: Bạn đã hành động cụ thể gì?
  • B4: Những kết quả/thành tích bạn đạt được sau khi xử lý tình huống trên

Đừng:

  • Chia sẻ bất kỳ câu chuyện nào liên quan đến mâu thuẫn cá nhân, tranh luận hoặc bất đồng trong công việc
  • Nói về một cuộc tranh cãi mà bạn đã có
  • Nói về một thử thách mà bạn đã không vượt qua hoặc không tìm ra giải pháp

Câu phỏng vấn 7. Bạn muốn mức lương bao nhiêu?

Câu hỏi này thường được hỏi vào gần cuối khi nhà tuyển dụng muốn đối chiếu kỳ vọng của bạn và mức chi trả cho phép nếu bạn được chọn, khi được hỏi câu này thì bạn có thể nằm trong danh sách ứng viên tiềm năng.

Nếu mới hỏi vài câu phỏng vấn đầu tiên mà nhà tuyển dụng đã hỏi bạn câu này, thì hãy khôn khéo, họ đang kiểm tra bạn đấy.

Do đó, dù là lý do gì, hãy cẩn thận để không làm ảnh hưởng quá trình ra quyết định của nhà tuyển dụng chỉ vì bạn không biết cách trả lời phỏng vấn về lương này.

Câu hỏi phỏng vấn Bạn muốn mức lương bao nhiêu?

Nên trả lời câu hỏi phỏng vấn về mức lương như thế nào?

Các câu trả lời phỏng vấn tốt nhất cho câu hỏi này nên tuân theo một quy tắc: ĐỪNG nói một con số cụ thể ngay lập tức.

Tại sao? Bạn có ít lợi thế mặc cả vào thời điểm trong quá trình phỏng vấn và tìm việc. Bạn còn chưa hoàn thành cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng, và họ thậm chí không biết liệu bạn có phù hợp với vị trí này hay không.

Ví dụ một số học viên khóa học 4 bước chinh phục công việc mơ ước của Talentio có mức lương 26.000.000đ, họ kỳ vọng lương sẽ nằm trong khoảng lương của JD là 28 triệu đến 35 triệu, thay vì đưa ra một con số cố định về mức lương mà bạn mong đợi, hãy cung cấp cho nhà tuyển dụng một phạm vi mà bạn muốn mức lương của mình để có thể linh hoạt về sau.

Một số lưu ý:

  • Không nên đưa mức lương thấp hơn khoảng lương công ty cung cấp, ví dụ mốc của công ty là 25 triệu đến 35 triệu thì bạn đừng để quá thấp như 18 triệu – 20 triệu: Vì nó thể hiện bạn không tự tin, và họ sẽ nghĩ bạn không đủ kinh nghiệm như họ mong đợi cho vị trí này.
  • Nếu đưa ra mức lương quá cao >35 triệu, chắc chắn những câu hỏi sau đó, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn những câu hỏi rất khó hoặc tình huống thực tế để kiểm chứng những kỹ năng và kinh nghiệm cũ của bạn có thực sự đáng giá mức lương như vậy. Khi đó, nếu bạn không tự tin và không đủ kinh nghiệm, bạn sẽ thất bại và không thể đàm phán lại. Ngược lại, nếu bạn là tài năng thực sự, nhà tuyển dụng luôn sẵn sàng nâng mức lương thậm chí lên 40 triệu để có được bạn.

Nếu ngay giai đoạn mở đầu mà nhà tuyển dụng đã hỏi bạn muốn lương bao nhiêu, bạn có thể khéo léo từ chối: “Tôi nghĩ rằng công ty đã có mức lương cho vị trí này, nhưng trước khi tôi đưa ra câu trả lời của mình, tôi mong đợi muốn tìm hiểu thêm về vị trí, mục tiêu công việc sắp tới của tôi, dựa vào đó tôi có thể đưa ra mức lương kỳ vọng chính xác hơn”

Một chiến thuật bạn có thể sử dụng là chia sẻ mức lương gần đây nhất của mình. Đây là một cách trả lời phỏng vấn tốt nếu bạn cảm thấy mình được trả lương khá cao trong vị trí gần đây nhất của mình.

“Ở công việc trước đó, tôi đang có mức lương cơ bản là 32.000.000đ. Tuy nhiên, tôi không có một con số cụ thể nào mà tôi đang nhắm mục tiêu cho vị trí tiếp theo này và tôi sẵn sàng xem xét một đề nghị mới mà công ty thấy phù hợp với kinh nghiệm và chuyên môn của tôi”

Bạn hãy nhớ rằng, một cuộc phỏng vấn giai đoạn đầu, mục tiêu tiền lương không nên là điều quá quan trọng!

Xem tiếp phần 3 cách trả lời phỏng vấn >> TẠI ĐÂY