phần 3 cách trả lời phỏng vấn xin việc sonnydang.net

Câu Hỏi Phỏng Vấn Và Cách Trả Lời Phỏng Vấn Thường Gặp Nhất (Kèm Câu Trả Lời Ví Dụ) – Phần 3

5/5 - (3 votes)

Bài viết này là phần 3, trong chuỗi bài viết các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời phỏng vấn xin việc. Mời bạn xem lại phần 1phần 2.

Nếu bạn là khách mới truy cập Lovin.vn, thì đây là một chuyên trang chia sẻ các câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời phỏng vấn thường gặp, giúp bạn chinh phục công việc mơ ước dù chưa có kinh nghiệm, mối quan hệ…

Câu phỏng vấn số 8. Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?

Bật mí: Nhà tuyển dụng sẽ hạn chế hỏi câu này nếu bạn đã sử dụng bộ tài liệu VVP, trong bộ tài liệu xác thực giá trị này, bạn đã chứng minh giá trị bản thân thông qua những đề xuất, những giải pháp trước khi phỏng vấn. Do đó, khi sử dụng bộ tài liệu VVP, bạn đã khác biệt và nổi bật 100% so với các ứng viên khác. Khi sử dụng bộ tài liệu VVP, nhà tuyển dụng sẽ đi sâu khai thác các đề xuất của bạn, các giá trị của bạn để chắc chắn bạn phù hợp văn hóa công ty thay vì hỏi những câu hỏi phỏng vấn theo kịch bản chỉ để lọc ứng viên. Xem ngay ==> Bộ tài liệu VVP là gì?

Cách trả lời phỏng vấn Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn? Sonnydang.net

Có thể một số bạn sẽ thấy câu hỏi này giống câu “Tại sao bạn ứng tuyển vào vị trí này?” ở phần 2, nhưng với nhà tuyển dụng thì mục đích hỏi có thể sẽ khác nhau.

Với câu “Tại sao bạn ứng tuyển vào vị trí này?” . Thực chất: Nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu động lực nào mà bạn nộp hồ sơ vào đây? Do thương hiệu của nhà tuyển dụng, do mức lương, do môi trường làm việc hay lý do gì?

Còn với câu “Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn”. Thực chất: Bạn có kinh nghiệm, chuyên môn hay giá trị gì khiến tôi phải tuyển? Bạn có gì khác biệt so với các ứng viên khác?

Trường hợp bạn không sử dụng bộ tài liệu VVP mà chỉ đơn giản gửi CV và Cover letter, thì bạn phải chứng minh bằng cách trả lời khôn khéo rằng bạn đã nghiên cứu công ty và nhận thấy kinh nghiệm của bản thân rất phù hợp với vị trí đang ứng tuyển (lưu ý các ứng viên khác cũng trả lời được như vậy).

Câu trả lời phỏng vấn ví dụ:

Trước khi tham gia buổi phỏng vấn này, tôi đã thực hiện nghiên cứu về vị trí đang ứng tuyển để tìm hiểu công ty đang thực sự muốn giải quyết vấn đề gì. Tôi nhận thấy, trong năm nay công ty đặt trọng tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn chứng ngoài việc thay đổi hoàn toàn giao diện website với những trải nghiệm tốt hơn, công ty cũng vừa tung ra ứng dụng mobile mới để chăm sóc khách hàng cũ, tuy vậy theo phân tích của tôi thông qua một số công cụ đánh giá, tỷ lệ cài app và chỉ số MAU (tỷ lệ user hoạt động/tháng) đang khá thấp. Trong bản đề xuất của tôi có đề xuất 4 nhóm giải pháp chính để tăng trưởng khách hàng cũng như tăng tỷ lệ khách hàng hoạt động trên app. Với kinh nghiệm 4 năm trong lĩnh vực mobile marketing của tôi, cộng với các ý tưởng và đề xuất đã gửi từ góc nhìn bên ngoài, tôi tin bản thân sẽ giúp cải thiện được các chỉ số trên app nhằm đạt được mục tiêu của công ty.

Ví dụ tạo bởi Sonny Dang

Nên làm:

  • Sử dụng tài liệu VVP từ Talentio kèm hồ sơ ứng tuyển để nhân đôi cơ hội trúng tuyển
  • Tự tin vào kỹ năng và khả năng của bạn
  • Nói về những điều cụ thể mà bạn có thể đóng góp
  • Thực hiện nghiên cứu của bạn trước khi phỏng vấn và hiểu các yêu cầu công việc

Đừng:

  • Nói chung chung bạn có kinh nghiệm gì, chuyên môn gì, thành tích gì… thực tế nhà tuyển dụng không quan tâm bạn là ai, mà họ quan tâm bạn có thể giải quyết được vấn đề gì khi trở thành nhân viên của họ
  • Nhắc lần nữa, đừng nói về bản thân bạn tốt thế nào, hãy nói về những đóng góp của bạn, ý tưởng, đề xuất cho vị trí ứng tuyển để khiến họ tin rằng, nếu cho bạn cơ hội, bạn sẽ làm được

Câu phỏng vấn số 9. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?

Khi nhà tuyển dụng hỏi, “điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”, tôi khuyên bạn nên chọn thứ gì đó mà bạn đang yếu liên quan đến kỹ năng, đừng nói bạn có tính cách gì đó (lười biếng, hay tủi thân, khó khăn trong giao tiếp…)…

Trả lời phỏng vấn Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì? sonnydang

Tại sao? Kỹ năng thiên về trải nghiệm, cần thời gian học hỏi và có thể khắc phục, miễn sao bạn cầu tiến và luôn mong muốn phát triển. Còn tính cách liên quan đến bản chất con người bạn, rất khó thay đổi.

Khi nói về tính cách, bạn không bao giờ nên nói bạn gặp khó khăn khi làm việc nhóm, hoặc bạn kém trong việc giải quyết các bất đồng, hoặc bạn luôn cảm thấy áp lực khi nhận chỉ đạo từ người quản lý, v.v. Những điều đó sẽ khiến bạn bị từ chối trong cuộc phỏng vấn.

Ngoài ra, dù là yếu về kỹ năng, hãy tránh nói kỹ năng nào đã được liệt kê trong bản Mô tả công việc.

Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì? mô tả công việc sonnydang

Vì vậy, hãy chọn một kỹ năng cụ thể, nhưng hãy chọn một thứ gì đó sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện công việc này của bạn.

Ví dụ, nếu công việc liên kế toán, thì bạn không thể nói bạn không rành về phần mềm kế toán hay tin học văn phòng là điểm yếu của mình.

Cuối cùng, hãy kết thúc câu trả lời của bạn bằng cách giải thích những gì bạn đang làm để khắc phục hoặc cải thiện điểm yếu của mình.

Câu trả lời phỏng vấn ví dụ 1: Nếu là liên quan tính cách

“Tính cách của tôi khá thẳng thắn và nhiều khi hơi nguyên tắc, nhờ nó đã giúp tôi thành công trong nhiều năm với tư cách là người quản lý và dẫn dắt nhóm đạt được nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng sự thẳng thắn của mình không phải lúc nào cũng hiệu quả với nhân viên của tôi, vì nhân viên có nhiều kiểu tính cách khác nhau, họ sẽ khó tiếp thu nếu họ không cảm thấy thoải mái vì những lời khuyên của tôi. Để khắc phục điều này, tôi đã tìm đọc rất nhiều sách về quản lý và thấu hiểu đội ngũ, ngoài ra, tôi đã tham gia một khóa học online về quản lý đội nhóm để có thêm nhiều ý tưởng khi làm việc với đội ngũ của mình.

Ví dụ tạo bởi Sonny Dang

Câu trả lời phỏng vấn ví dụ 2: Nếu là kỹ năng

“Thuyết trình và nói trước đám đông khiến tôi khá lo lắng. Mặc dù tôi không cần phải nói nhiều trước mọi người với vai trò là một nhà thiết kế web, nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng đó là một kỹ năng quan trọng cần cải thiện — đặc biệt là khi tôi muốn đưa ra ý kiến của mình trong một cuộc họp. Để dần khắc phục điểm yếu này, ở trong mỗi cuộc họp nhóm tôi sẽ chủ động xin thời gian 5 – 10 phút từ người quản lý để trình bày tại sao lại chọn màu sắc và bố cục website với nhóm, từ đó nhận feedback của mọi người để điều chỉnh.

Ví dụ tạo bởi Sonny Dang

Có rất nhiều cách trả lời câu hỏi này, chuyên trang Hubspot có một bài viết chi tiết khá thú vị, bạn có thể xem tại đây. Tiếp theo, hãy xem những điều nên làm và không nên làm bên dưới để biết câu trả lời hay nhất sẽ như thế nào.

Nên làm:

  • Kể ra một điểm yếu thực sự (trung thực)
  • Điểm yếu này chỉ là vì chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc công việc không quá cần thiết. Ví dụ: nói, “Tôi không quá giỏi về Microsoft Excel, tôi vẫn sử dụng được trong công việc nhưng chỉ gặp khó khăn nếu là các công thức phức tạp, tuy nhiên tôi khá thành thạo việc sử dụng các phần mềm như Misa, CRM’’
  • Đề cập đến những gì bạn đã làm để khắc phục điểm yếu này và cải thiện gần đây

Đừng:

  • Đừng đưa ra một điểm yếu giả tạo như, “Tôi làm việc quá chăm chỉ”
  • Đừng nói với họ rằng bạn không có điểm yếu
  • Đừng nêu điểm yếu dựa trên tính cách (như “Tôi gặp khó khăn khi hòa đồng với đồng nghiệp”)
  • Đừng nêu một điểm yếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thành công trong công việc của bạn

Câu phỏng vấn số 10. Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới?

”5 năm tới à?” – Câu hỏi này có vẻ hơi xa vời đúng không. Bạn có thể sẽ nghĩ như vậy, nhưng góc độ nhà tuyển dụng, họ có lý do cả đấy.

Câu trả lời phỏng vấn số 12. Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới? sonnydang.net

Có ba lý do chính mà người phỏng vấn hỏi Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới?“:

1. Họ muốn xem bạn đã nghĩ về tương lai nghề nghiệp của mình chưa

2. Họ muốn đảm bảo rằng bạn có tham vọng và làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu đó

3. Họ muốn đảm bảo rằng công việc họ đang cung cấp phù hợp với mục tiêu của bạn

Vì vậy, hãy chọn một mục tiêu liên quan đến công việc mà bạn muốn đạt được trong 5 năm kể từ bây giờ và đảm bảo rằng mục tiêu đó có vẻ hơi thách thức hoặc đầy tham vọng.

Và đảm bảo bạn chia sẻ mục tiêu có liên quan đến công việc bạn đang phỏng vấn. Dù bạn có ý định khởi nghiệp trong 2 năm tới, không nên chia sẻ nó. Nếu không, họ sẽ rất ngại khi thuê bạn. Tại sao họ lại mời bạn công việc nếu bạn chỉ xem công việc hiện tại chỉ tạm thời, không nghiêm túc và mong muốn cống hiện lâu dài. Không có công ty nào muốn điều này.

Câu trả lời ví dụ

“Tôi mới tốt nghiệp và bắt đầu đi làm được hai năm, nhưng tôi muốn chia sẻ mục tiêu của tôi trong 5 năm là phát triển đáng kể trong kỹ năng bán hàng của mình. Một trong những mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của tôi là tham gia vào công việc đào tạo và cố vấn bán hàng, có thể với tư cách là Quản lý, nhưng tôi biết bước đầu tiên là thành thạo công việc bán hàng, đạt các cột mốc doanh số thử thách. Vì vậy, trong 5 năm tới, tôi mong muốn tiếp tục trau dồi kỹ năng bán hàng của mình, cả trực tiếp và qua điện thoại, đồng thời tiếp tục con đường sự nghiệp hiện tại với tư cách là nhân viên bán hàng giỏi.

Ví dụ tạo bởi Sonny Dang

Nên Làm:

  • Cho thấy bạn đã nghĩ nghiêm túc về chủ đề và câu hỏi này
  • Nghe có vẻ đầy tham vọng và có động lực
  • Hãy thực tế và khiêm tốn. 
  • Hãy chắc chắn rằng câu trả lời của bạn có liên quan đến công việc này. Họ sẽ không thuê bạn cho một công việc không liên quan gì đến mục tiêu 5 năm của bạn

Đừng:

  • Châm biếm hoặc đưa ra một câu trả lời đùa như “Mục tiêu 5 năm tới là ngồi vào ghế của bạn”
  • Nói rằng bạn không chắc chắn hoặc nói rằng bạn chưa từng nghĩ về nó (hầu hết các công ty không muốn nghe điều này)

Câu phỏng vấn số 11. Hãy kể về khoảng thời gian bạn gặp thất bại trong công việc

Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn tình huống phổ biến nhất trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ đến sản xuất, từ vị trí nhân viên đến tuyển quản lý. Nhằm mục đích tìm hiểu xem bạn có thể học hỏi từ những sai lầm hay không và cách bạn vượt qua.

Nhà tuyển dụng muốn xem liệu bạn có thể nhận ra những sai lầm của mình, có học hỏi và cải thiện từ kinh nghiệm hay không.

Câu hỏi phỏng vấn số 13. Hãy kể về khoảng thời gian bạn gặp thất bại trong công việc sonnydang

Với câu hỏi phỏng vấn này, bạn xác định đây là dạng câu hỏi tình huống do bạn tự chọn, do đó hãy chia sẻ câu chuyện có thật, hãy trung thực. Tốt nhất là bạn hãy tiếp tục sử dụng phương pháp trả lời phỏng vấn STAR.

Phương pháp trả lời phỏng vấn STAR là gì?

STAR là viết tắt của một kỹ thuật giúp bạn trả lời các tình huống phỏng vấn một cách chuyên nghiệp và có logic và không bị lan man.

STAR là viết tắt của 4 từ:

Situation: nêu hoàn cảnh mà bạn gặp phải phù hợp câu hỏi phỏng vấn

Task: nhiệm vụ, công việc mà trong hoàn cảnh đó bạn phải làm hoặc được giao làm để giải quyết vấn đề

Action: các bước bạn đã thực hiện để thực hiện nhiệm vụ trên

Result: nêu lại kết quả từ hành động bạn đã thực hiện

Mẫu câu ví dụ cách trả lời phỏng vấn

SITUATION: Mô tả hoàn cảnh

Trong công việc trước đây với vai trò Project Leader, tôi quản lý một dự án công nghệ của khách hàng doanh nghiệp khá quan trọng. Tôi đã có những trao đổi với khách hàng và cam kết về thời gian thực hiện dự án là chỉ 30 ngày (đúng 1 tháng). Đó cũng là thời gian tối ưu của chúng tôi cho một dự án quan trọng. Tuy nhiên, kết quả dự án đã mất tới 40 ngày mới hoàn tất và bàn giao. Khách hàng tỏ ý không hài lòng và rất tức giận khi nghe tin.

TASK: Nhiệm vụ chính

Tôi là cầu nối giữa khách hàng và đội ngũ kỹ thuật, do đó, tôi chịu trách nhiệm cho việc theo dõi chặt chẽ tiến độ và phối hợp các phòng ban liên quan để hoàn thành dự án đúng hẹn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi kéo dài thời gian như vậy.

Lý do cho việc trễ hẹn dù là do vấn đề kỹ thuật phức tạp hơn dự kiến, việc tích hợp API với bên thứ 3 không diễn ra thuận lợi, kèm theo việc phải tuân thủ các quy trình testing để đảm bảo chất lượng, nhưng ở góc độ công việc, tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình và cần giải quyết nó với khách hàng.

ACTION: Hành động

Với tôi, đối diện với vấn đề và xử lý hài hòa lợi ích với khách hàng luôn là luôn tôn chỉ của tôi. Trước khi gọi điện để xử lý vấn đề, tôi đã nghiên cứu lại kỹ dự án và phát hiện việc kéo dài thời gian một phần từ việc các yêu cầu mới của khách hàng liên quan đến bên thứ 3 (do khách hàng chỉ định), tức công ty đã luôn tuân thủ về mặt tiến độ, nhưng khi tích hợp API với phần mềm thứ 3 thì lỗi phát sinh từ bên thứ 3, khiến công ty phải cập nhật lại để tương thích.

RESULT: Kết quả

Tất nhiên, tôi sẽ không thể giải thích như vậy vì sẽ khiến khách hàng thấy chúng tôi đang đổ lỗi, để hài hòa lời ích, tôi đã gọi cho khách hàng, nhận lỗi vì để dự án kéo dài tiến độ, tặng thêm ưu đãi cho khách hàng thời gian sử dụng và giải trình khéo léo cho khách hàng về lý do kéo dài, theo hướng là để đảm bảo bảo mật và chất lượng dự án.

Dù ban đầu khách hàng tỏ ra không hài lòng, nhưng vì tôi rất cầu thị lắng nghe và đưa ra phương án xử lý thỏa đáng, khách hàng đã chấp nhận giải trình của tôi và cũng thừa nhận về lý do kéo dài một phần đến từ bên thứ 3. Tôi đã giữ được một khách hàng quan trọng và có thêm trải nghiệm quý giá trong việc xử lý các khiếu nại một cách chân thành va thỏa đáng.

Trên đây là ví dụ thực tế mà bạn có thể áp dụng theo phương pháp trả lời phỏng vấn STAR, hãy luôn ghi nhớ các bước để trả lời một cách lưu loát như đang tường thuật một câu chuyện.

Nên làm:

  • Lựa chọn một thất bại thực sự
  • Mô tả tình huống và những gì đã xảy ra theo hướng đã được xử lý tích cực
  • Cho thấy bạn chịu trách nhiệm (thay vì đổ lỗi cho người khác) và cho thấy bạn đã học được từ điều đó
  • Tốt nhất, hãy nói về cách bạn đã sử dụng bài học đó để đạt được kết quả khác trong lần tiếp theo khi bạn gặp thử thách tương tự (ví dụ như cách bạn biến thất bại trong quá khứ thành thành công trong tương lai)

Đừng:

  • Hãy nói rằng bạn không bao giờ thất bại
  • Nói về thất bại nhưng sau đó đổ lỗi cho người khác và nói về việc đó không thực sự là lỗi của bạn
  • Đưa ra một câu trả lời dài dòng đi chệch hướng. Bạn thực sự cần phải súc tích và cho thấy bạn có thể kể một câu chuyện rõ ràng. Đó là một điều nữa mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm khi họ đặt câu hỏi phỏng vấn này.

Vẫn còn. Coming soon…